NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG

Bức thư đẫm nước mắt của 2 chị em mồ côi
(Dân trí) - Bố mẹ ra đi một cách đột ngột, số nợ cũng gác lại cho hai chị em một khoản khá lớn. Vượt qua định kiến, vượt qua khó khăn, vượt qua khổ cực… hai chị em cứ thế nuôi nhau ăn học và học rất giỏi khiến nhiều người phải nể phục.

 

Rơi nước mắt, cảnh hai chị em mồ côi nuôi nhau ăn học
Từ ngày bố mẹ mất, hai chị em tự đùm bọc nhau, tự kiếm ăn cùng một phần giúp đỡ của bác, bà con lối xóm. Nhưng giờ hai cháu rất khó khăn và sống trong căn nhà tạm bợ.
Những ngày đầu năm 2013, chúng tôi vượt qua hơn 170km từ thành phố Vinh ồn ào náo nhiệt đến thăm gia cảnh mồ côi cả bố lẫn mẹ của hai chị em Thắm và Thảo tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An trong thời tiết gió rét và mưa dầm ở phố núi này.
Bố mẹ lần lượt từ biệt hai con nhỏ
Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà bé nhỏ đầy loang lổ theo thời gian mà 2 chị em Đặng Thị Phương Thắm (SN 2002) và Đặng Thị Phương Thảo (SN 2004) - trú xóm 7, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An đang sinh sống. Trong ngôi nhà trống trải đến lạ thường, không khí âm u, lạnh lẽo đến não nề. Quan sát kỹ trong căn nhà ẩm thấp của hai em không có vật gì đáng giá ngoài những tập giấy khen và giấy chứng nhận học sinh giỏi được xếp lên bàn thờ sơ sài của người mẹ mới qua đời.
Sau chén nước trắng để nguội cùng vài câu hỏi thăm động viên hai cháu, chúng tôi được nghe câu chuyện đầy bất hạnh về cuộc đời của bố mẹ Thắm, Thảo qua lời kể của người bác và những người hàng xóm tốt bụng.
Năm 2000, anh Đặng Văn Sơn (SN 1972) và chị Nguyễn Thị Lý (SN 1971) đến với nhau trong cái đói, cái khổ. Và có lẽ anh chị cũng đến với nhau cả từ sự quá lứa, lỡ thì của hai người ở vùng đất đầy nghèo khó huyện miền núi Anh Sơn này.
Hạnh phúc dần đơm hoa kết trái khi lần lượt hai đứa con vợ chồng anh chị chào đời trong niềm vui sướng của cả họ tộc hai bên. Có hai đứa con gái xinh xắn, khoẻ mạnh gia đình anh chị dường như ấm cúng, vui vẻ. Hằng ngày, hàng tháng vợ chồng anh Sơn, chị Lý xoay xở cuộc sống bằng những chuyến buôn cá ngược xuôi cùng canh tác thêm mấy sào ruộng lúa nước. Song cái khó khăn, vất vả đó với anh chị cũng chẳng sao, bởi anh chị có hai đứa con ngoan hiền.
Thắm, Thảo bên bàn thờ mẹ.

Thắm, Thảo bên bàn thờ mẹ.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu số phận đã không mỉm cười với gia đình anh Sơn chị Lý. Hạnh phúc ngọt ngào ấy chưa được bao lâu thì tai hoạ giáng xuống gia đình bé nhỏ, khổ cực này. Năm 2008, anh Đặng Văn Sơn từ biệt ba mẹ con chị Lý để về thế giới bên kia một cách đột ngột mà không rõ bệnh tình cũng không lời trăng trối. Người chồng trụ cột mất đi, gánh nặng đè xuống đôi vai gầy tong của người vợ, người mẹ trẻ cùng hai đứa con nhỏ.
Gạt đi những buồn đau, gạt đi những giọt nước mắt tủi phận… và để cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, những ngày sau đó, chị Lý lao vào làm việc quần quật suốt ngày với mong ước: dù có thiếu bóng người cha, nhưng con cái vẫn phải được ấm êm, được học hành và không tủi hổ với xóm làng. Vì bỏ công sức quá nhiều, lao động quá mệt nhọc… nên chị Lý lâm căn bệnh hiểm nghèo mà không hề hay biết.
Ba năm sau khi người chồng mất. Năm 2011, do quá đau trong người, chị Lý đi bệnh viện khám thì được các bác sỹ cho biết, chị mắc căn bệnh ung thư tử cung. Ngày nhận hung tin, chị như quỵ ngã đi. Chị đau đớn lắm. Chị khóc trong tuyệt vọng.
Dù biết căn bệnh của mình khó qua khỏi nhưng nghĩ về nhưng đứa con chăm ngoan học giỏi chị Lý vẫn không ngừng nuôi hy vọng cứu mình. Chị chấp nhận bán hết ruộng vườn lấy tiền chữa chạy, thuốc thang. Những thứ gì đáng giá trong gia đình chị cũng đem bán, rồi được con trâu duy nhất chị cũng bán nốt để lấy tiền chạy chữa. Tính trung bình một năm chị phải ra Hà Nội mổ 3 lần. Mỗi lần cũng lên đến hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, tiền thì mất đàng tiền mà ngày bệnh tình của chị càng nặng hơn. Và sau gần 2 năm điều trị, người mẹ của hai đứa trẻ cũng từ biệt thế gian trong nỗi xót xa của họ hàng, con cái.
Đoạn trường khổ ải của hai chị em mồ côi học giỏi
Bố mất được một thời gian. Mẹ cũng lâm bệnh ung thư ra đi không một lời trăng trối và để lại cho hai chị em Thắm và Thảo một khoản nợ lớn gần 100 triệu đồng. Cũng kể từ ngày mẹ mất, cuộc sống của hai chị em Thắm và Thảo càng trở nên khó khăn hơn ngàn vạn lần. Bởi, ruộng vườn khi còn sống mẹ đã bán hết để chữa bệnh.
Không có tiền, hai em về sống cùng với người bác Đặng Văn Khương cùng xóm. Khổ nỗi, nhà bác vốn đông con và cũng chung cảnh nghèo khó gieo rắc. Tâm sự về nỗi khổ ải của hai cháu Thắm và Thảo, bà Nguyễn Thị Hường hàng xóm rưng rưng nước mắt nói:
“Tôi chưa từng thấy hoàn cảnh nào đáng thương và bi đát như gia cảnh của anh Sơn, chị Lý và 2 cháu Thắm và Thảo. Bố mất, rồi mẹ các cháu cũng về cõi âm vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Ngày chịu tang chị Lý, nhìn hai cháu khóc đến tím tái mặt mà chúng tôi ai cũng phải khóc theo. Thương các cháu lắm các chú nhà báo à. Hai cháu khổ lắm. Nhưng bù lại các cháu luôn ngoan và học rất giỏi. Chúng tôi cũng lo các cháu phải bỏ giở chừng lắm. Nếu cứ thế này chắc phải đưa các cháu vào Trung tâm nhân đạo nào đó, chứ Khương (bác của hai cháu) cũng hoàn cảnh lắm không thể kham nổi việc nuôi hai cháu ăn học được đâu”. Nói đoạn bà Hường lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má gầy của mình.
Bức thư thấm đẫm nước mắt Thắm viết gửi bố mẹ dưới suối vàng.
Bức thư thấm đẫm nước mắt Thắm viết gửi bố mẹ dưới suối vàng.
“Bây giờ cháu sợ Tết lắm. Mỗi khi gần đến Tết cháu nhớ bố mẹ nhiều hơn và không có hương để thắp cho bố mẹ nữa. Tết đến ai cũng vui nhưng chỉ mỗi nhà cháu buồn thôi các chú à. Cháu muốn bố mẹ…”, em Thắm chia sẻ, rồi bất ngờ sụt sùi nấc nghẹn.
“Nhiều đêm cháu vẫn mơ thấy mẹ về căn dặn hai chị em cháu. Mẹ bảo, dù có khó khăn thế nào thì hai chị em cũng phải cố gắng học thật tốt và biết vươn lên”, Thắm buồn tủi thân phận kể lại cho chúng tôi nghe.
Nói đoạn, Thắm vào trong ngăn bàn cũ kỹ lấy cuốn vở cho chúng tôi xem. Và thật bất ngờ, trong cuốn vở mới tinh, những trang giấy còn mùi thơm phức là một bức thư Thắm viết để gửi cho bố mẹ ở cõi âm. Bức thư thắm viết với những dòng chữ rất đẹp và thấm đẫm nước mắt. Rồi Thắm đọc cho chúng tôi nghe về bức thư mà mình viết tôi hôm trước nằm mơ mẹ về căn dặn mình. Tiếng em đọc truyền cảm đến lạ thường, đọc được một đoạn Thắm khóc nức nở không nên lời giữa cái rét mùa đông ảm đạm khiến mọi người không thể cầm được nước mắt.
Trong bức thư có đoạn: “… Khi hai chị em cháu, khi cháu lên năm tuổi, em cháu lên ba tuổi, còn thơ dại. Thì ông trời đã cướp đi mất bố của cháu. Hai chị em chỉ còn lại mẹ gầy yếu vì thương nhớ bố đôi vai gầy của mẹ như thân cò lặn lội nuôi hai cháu ăn học. Tuy không được đầy đủ, nhưng chúng cháu còn tình thương của mẹ. Không ngờ tang bố chưa cất khỏi đầu, thì căn bệnh ung thư quái ác nó lại đổ ập vào người mẹ thân yêu duy nhất của hai chị em cháu…
… Căn bệnh đã hành hạ thể xác mẹ cháu đến hai năm trời. Đến hôm nay ngày 5/11 (năm âm lịch) ông trời lại cướp đi người mẹ thân yêu duy nhất của hai chị em cháu, để lại trên cõi đời này hai chị em côi cút. Bây giờ ai lo cơm nước cho hai chị em cháu. Sáng hôm chiều tối con nhìn đâu cũng không thấy bóng mẹ. Giờ hai chị em chỉ biết đứng bên bàn thờ bố mẹ mà khóc thét lên: Bố ơi! Mẹ ơi! Con nhớ bố mẹ lắm!... Bố mẹ ơi! Khi nào con mới được gặp bố mẹ nữa…”.
Lần lượt mồ côi cả cha, mẹ và sống trong khó khăn chồng chất, nhiều khi thiếu ăn. Nhưng nhiều năm qua hai chị em Đặng Thị Phương Thắm và Đặng Thị Phương Thảo vẫn đùm bọc nhau vượt qua mọi khó khăn, đạt thành tích đáng nể trong học tập. Nhiều năm liền Thắm và Thảo đều đạt thành tích học sinh giỏi các môn Toán, Tiếng Việt, giải Toán qua mạng. Đặc biệt hai em có nét chữ rất đẹp, và đều hát hay múa giỏi.
Nói về hai em học trò có hoàn cảnh đặc biệt, thầy Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoa Sơn cho biết: “Hai em Thắm và Thảo không nói các chú nhìn vào là biết. Nhưng bù lại chị em Thắm luôn là tấm gương sáng của trường, kết quả học tập mà hai em đạt được khiến tất cả các thầy cô, học trò nơi đây tự hào”.
Thầy Hiếu cũng cho biết thêm: “Nếu có điều kiện thì tương lai của hai em sẽ rất tốt, sáng sủa hơn tiền đồ hơn trong học tập. Nhưng với hoàn cảnh của các em hiện nay sẽ rất khó. Bởi, gia đình, bản thân của hai em chỉ là con số không, còn người bác cũng không đủ điều kiện nuôi dưỡng các cháu. Riêng nhà trường cùng chính quyền địa phương cũng chỉ tạo được phần nào hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Còn về lâu dài thì chưa biết được!”.
Bức thư thấm đẫm nước mắt Thắm viết gửi bố mẹ dưới suối vàng.

Tệp giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi, giấy chứng nhận học sinh đạt giải vở sạch chữ đẹp của 2 em Thắm và Thảo.
“So với các em cùng trang lứa, các em có hoàn cảnh khá hơn nhưng lực học thì những học sinh khác không thể bằng hai chị em Thắm, Thảo được. Từ ngày cha mẹ hai cháu mất đi, nhà trường chúng tôi mỗi người góp một ít để hỗ trợ cho hai cháu được học hành đến nơi đến chốn. Chúng tôi không thu bất kỳ một khoản nào của hai em. Với tôi, chỉ mong hai em được học hành đến nơi đến chốn, không phải bỏ học là mừng nhất trên đời này”, thầy Hiếu chia sẻ thêm với PV.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Đặng Văn Khương cầm tay chúng tôi cầu khẩn: “Các cháu tôi chúng còn nhỏ lắm. Chúng biết nương tựa vào ai bây giờ. Các cháu rất ham học, đứa nào cũng giỏi. Trước khi bố mẹ chúng mất có trăng trối với tôi là cố gắng cho các cháu đi học để sau này đỡ khổ. Nhưng vợ chồng tôi cũng nghèo và cũng cố gắng lắm rồi, chắc phải đưa chúng nó vào trại trẻ mồ côi thôi nhà báo à. Bây giờ nghĩ đến cảnh phải xa chúng mà tôi đang đau lắm như đứt từng khúc ruột vậy. Tôi chỉ mong sẽ có người thương đến các cháu, để các cháu theo đuổi ước mơ để bố mẹ các cháu ở nơi chín suối được yên lòng”.
Chia tay hai em Thắm, Thảo nhìn hình ảnh chiếc áo đồng phục học trò hòa quyện với vành khăn tang trắng trên đầu cùng những dòng chữ mà Thắm, Thảo đã cứ ám ảnh mãi trong chúng tôi…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 867: Thầy Nguyễn Ngọc Hiếu - hiệu trưởng trường Tiểu học cơ sở Hoa Sơn, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An – nơi hai chị em Thắm, Thảo đang học tập.
ĐT: 0915.793.777
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 
Nguyễn Duy - Tiến Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét